ngành may mặc trong thế giới hiện đại

Ngày đăng: 10/04/2020 07:53 AM

Thứ nhất, ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành May mặc.
Như đã phân tích ở các nội dung trước, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến ngành May mặc của Việt Nam nhiều năm qua vẫn chỉ dừng lại ở việc gia công xuất khẩu với giá trị gia tăng thấp là do Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Vì vậy trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu.
Thứ hai, ưu tiên đầu tư nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến cho ngành may mặc.
Việc nâng cấp kinh tế, đặc biệt là nâng cấp quy trình và nâng cấp sản phẩm trong ngành may mặc đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị hiện đại. Mặc dù Việt Nam đã chú trọng đến vấn đề này, nhưng việc đầu tư cho việc sản xuất máy móc, thiết bị của ngành May mặc đã không đem lại hiệu quả như mong muốn, do ngành cơ khí chế tạo nói chung của Việt Nam còn kém phát triển. Nhiều khả năng là đến khi Việt Nam có thể chủ động trong việc sản xuất máy móc, thiết bị tiên tiến cho ngành May mặc thì chúng ta đã mất đi lợi thế trong ngành này và với sự phát triển của các ngành kinh tế khác, ngành May mặc sẽ không còn là một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước như hiện nay. Vì vậy, song song với việc phát triển mạnh ngành Cơ khí chế tạo để phục vụ chung cho nền kinh tế, chúng ta nên đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị của ngành May mặc theo hướng nhập khẩu những máy móc, thiết bị tiên tiến nhất của các quốc gia có lợi thế trong việc sản xuất máy móc, thiết bị cho ngành May mặc như Anh Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp may mặc thực hiện việc nâng cấp thông qua việc mở rộng các ưu đãi về tín dụng và thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị dành cho các doanh nghiệp thực hiện việc nâng cấp.
Thứ ba, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành May mặc.
Chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nền kinh tế nói chung và của ngành may mặc nói riêng. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa giúp phát huy lợi thế của Việt Nam với nguồn laođộng dồi dào, giá rẻ.
Thứ tư, ưu tiên đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp dệt may.
Liên kết giữa các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam với nhau và với những doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực như thiết kế, sản xuất nguyên liệu, sản xuất máy móc thiết bị... cần được xem xét và bố trí lại theo hướng tăng cường mức độ kết nối để giảm thiểu chi phí, tăng cường các quan hệ liên kết, củng cố chuỗi cung ứng và giảm thiểu các vấn đề về môi trường.
4.2.2. Các giải pháp thu hút đầu tư
Để thu hút đầu tư vào ngành May mặc, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh cổ phần hóa và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước trong ngành.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước trong ngành một mặt sẽ giúp Nhà nước thu về một nguồn vốn lớn để tập trung đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng của ngành và của nền kinh tế, đồng thời lại giúp thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn vào các doanh nghiệp này, do doanh nghiệp sẽ làm ăn hiệu quả hơn.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành.
Nhà nước cần đặc biệt quan tâm tới việc hình thành các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn trong ngành để các doanh nghiệp này có thể dẫn dắt và điều hợp việc sản xuất trong nước.
Thứ ba, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành.
Trong điều kiện ngành may mặc của Việt Nam hiện nay, việc thu hút đầu tư nước ngoài là đặc biệt cần thiết, nhất là đối với các dự án đầu tư vào các khâu thâm dụng vốn và công nghệ.
Thứ tư, thực hiện đầu tư mồi cho ngành.
Hiện tại, các nhà đầu tư chỉ chú trọng đầu tư vào khâu sản xuất gia công cho nước ngoài mà không đầu tư vào các lĩnh vực đòi hỏi phải có vốn lớn. Vì vậy đầu tư mồi có hiệu quả của Nhà nước là một giải pháp quan trọng để thu hút các nhà đầu tư.
4.3. Các giải pháp về khoa học-công nghệ
Thứ nhất, đẩy mạnh việc đổi mới máy móc, thiết bị trong ngành.
Để thực hiện việc nâng cấp CGT, đặc biệt là nâng cấp quy trình và nâng cấp sản phẩm, đòi hỏi phải có các máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ cho khâu sản xuất sản phẩm.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển trong ngành.
Như đã thảo luận ở trên, hoạt động nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, và đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam không thể thực hiện những phương thức sản xuất đem lại GTGT cao.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ trong ngành, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp trong nước, do các doanh nghiệp dẫn dắt trong CGT toàn cầu thường không muốn chuyển giao công nghệ cho các nhà cung cấp, như đã thảo luận ở trên.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học-công nghệ nói chung và trong ngành nói riêng.
Thị trường khoa học-công nghệ có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực khoa học-công nghệ quốc gia nói chung, trong đó có ngành May mặc.
4.4. Các giải pháp về thị trường
Các xu hướng lớn trong ngành May mặc thế giới cho thấy thị trường hàng may mặc nhìn chung vẫn còn nhiều tiềm năng, cả ở các thị trường truyền thống lẫn các thị trường mới nổi và các thị trường khu vực. Để mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng may mặc, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại, tăng cường việc ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và ngành may mặc nói riêng. Thực tế cho thấy các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành may mặc là những quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký kết các hiệp định thương mại, đặc biệt là các FTA với nước ta. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán các FTA đang trong quá trình đàm phán và tìm kiếm cơ hội đàm phán FTA với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung vào các thị trường truyền thống và các thị trường mới nổi gần gũi về địa lý. Trong thời gian tới, cần tiếp tục giữ vững và mở rộng thị trường tại các thị trường lớn là EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đặc biệt, cần chú trọng hơn nữa trong việc thâm nhập và mở rộng thị trường tại các thị trường mới nổi gần gũi về địa lý là Trung Quốc, ASEAN và Ấn Độ.
Thứ ba, đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu. Cần không chỉ ổn định và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm mà còn cần ổn định thị trường đầu vào nguồn nguyên phụ liệu. Trong thời gian tới, cần kết hợp cả ba hướng đi, bao gồm: gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất nội địa, tăng cường nhập khẩu nguyên liệu có xuất xứ từ các quốc gia tham gia các FTA với Việt Nam, và nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ từ các quốc gia hàng đầu về sản xuất nguyên liệu cũng như gần gũi với Việt Nam cả về mặt địa lý, văn hóa cũng như trong quan hệ kinh tế, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường. Trong thời gian tới cần phải xây dựng được hệ thống an toàn vệ sinh chất lượng sản phẩm đến đầu nguồn nguyên liệu một cách có hệ thống, bảo đảm mọi khâu đều đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh, chất lượng sản phẩm… theo yêu cầu của các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm gồm EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản và các thị trường mới nổi có quy mô dân số lớn và gần gũi về địa lý với Việt Nam gồm Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.
Thứ năm, tạo lập hệ thống phân phối cho hàng may mặc tại các thị trường. Nhà nước cần thông qua Cục Xúc tiến Thương mại, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, đại diện thương mại Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ để cung cấp thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp và tạo thương hiệu.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline